Chiến lược ôn thi Đánh giá năng lực hiệu quả

        Chiến lược ôn thi Đánh giá năng lực hiệu quả

Update: 16/07/2022, User: Tien Do

  Kỳ thi đánh giá năng lực đang trở thành xu hướng tuyển sinh mới tại một số trường Đại học trên địa bàn Hà Nội và TPHCM. Khác với bài thi tốt nghiệp THPT, bài thi đánh giá năng lực yêu cầu rất nhiều kiến thức và kỹ năng của học sinh. Trong bài viết này, hãy cùng mình sẽ giúp các bạn tìm hiểu về cách ôn thi đánh giá năng lực 2022 hiệu quả để đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi.



Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực:
Hiện nay, có 3 kỳ thi đánh giá năng lực được các bạn học sinh lớp 12 quan tâm nhiều nhất đến từ 3 trường: Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Dựa trên tiêu chí chọn lọc thí sinh mà cấu trúc đề thi tại mỗi trường là khác nhau

1. Cấu trúc đề thi ĐGNL trường Đại học Quốc gia Hà Nội
Đề thi đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia Hà Nội được xây dựng dựa trên các bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh và bài thi SAT của Mỹ. Cấu trúc đề thi nhằm phân loại học sinh dựa theo khả năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề.

Đề thi có tổng cộng 150 câu hỏi trong đó 132 câu thuộc dạng trắc nghiệm và 18 câu còn lại thuộc dạng tự luận điền đáp án. Nội dung kiến thức được phân chia thành 3 phần. Thí sinh tham gia sẽ có thời gian là 195 phút để làm bài thi trên máy tính. Cụ thể số lượng câu cho mỗi phần thi như sau:Phần định lượng: gồm 50 câu tổng hợp vận dụng từ các dạng toán như: đạo hàm, tích phân, min – max và đặc biệt là đọc dữ liệu biểu đồ – dạng bài chưa từng có trong bài thi tốt nghiệp THPT
Phần định tính: gồm 50 câu, phần lớn là các câu dạng đọc hiểu, yêu cầu học sinh cần có kiến thức về Ngữ văn. Còn lại là các câu hỏi dạng vận dụng kiến thức Tiếng Việt.
Phần khoa học: gồm 50 câu nhằm kiểm tra kiến thức của học sinh đối với các môn như: Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học, Lịch Sử, Địa Lý

2. Cấu trúc đề thi ĐGNL trường Đại học Quốc gia TPHCM
Bài thi có tổng cộng 120 câu hỏi dạng trắc nghiệm, chia thành 3 phần. Thí sinh tham gia sẽ có thời gian là 150 phút để làm bài thi trên phiếu trả lời được phát sẵn. Cụ thể các phần thi như sau:Tư duy định tính: có tổng cộng 40 câu hỏi, bài đọc nhằm kiểm tra kiến thức liên quan đến văn học và khả năng tư duy ngôn ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh. Mỗi ngôn ngữ sẽ có 20 câu trong phần thi.Tư duy định lượng: gồm 40 câu được xây dựng và mở rộng dựa trên kiến thức toán THPT cơ bản, nhằm đánh giá năng lực toán học, tư duy logic và phân tích số liệu của học sinh.
Giải quyết vấn đề: gồm 40 câu tổng hợp từ các môn khoa học tự nhiên, công nghệ và xã hội, nhằm kiểm tra kiến thức tổng quát của học sinh trong suốt quá trình học

3. Cấu trúc đề thi ĐGNL trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Bài thi đánh giá tư duy Đại học Bách Khoa Hà Nội là bài thi bắt buộc dành cho đối tượng đăng ký hồ sơ học tại trường. Cấu trúc bài thi bao gồm 3 phần, trong đó có 1 phần bắt buộc, 2 phần tự chọn. Tất cả đều được trình bày dưới dạng trắc nghiệm hoặc dạng điền và làm bài trên giấy. Cụ thể nội dung 3 phần như sau:

a. Phần bắt buộc: gồm Toán và Đọc hiểu (120 phút)
Đối với môn Toán (90 phút), các câu hỏi đánh giá năng lực cần vận dụng 4 kỹ năng: mô hình Hóa Toán học, giải quyết vấn đề, tư duy và lập luận toán học, kỹ năng giao tiếp toán học
Đối với phần Đọc hiểu (30 phút) sẽ có từ 3 – 4 bài đọc với độ dài 800 – 1000 từ liên quan đến các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ nhằm kiểm tra khả năng đọc hiểu văn bản của học sinh
b. Phần tự chọn:
+ Tự chọn 1 (90 phút): gồm các câu hỏi về khoa học tự nhiên, kiểm tra kiến thức, khả năng vận dụng kiến thức Lý – Hóa – Sinh vào giải bài tập
+ Tự chọn 2 (60 phút): Tiếng Anh (có thể lấy điểm quy đổi từ điểm IELTS)
*Tìm hiểu thêm: Cấu trúc đề thi Đánh giá năng lực năm 2022

Cách thức ôn thi đánh giá năng lực hiệu quả:
Sau khi nắm rõ thông tin về cấu trúc đề thi, học sinh cần dành thời gian rèn luyện tư duy, ôn luyện kiến thức nếu muốn đạt được điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực. Những kiến thức và kỹ năng mà các bạn thí sinh cần đảm bảo đã thành thạo trước khi tham gia kỳ thi này gồm:
+ Vận dụng tốt kiến thức cơ bản
Một trong số những mục tiêu của kỳ thi đánh giá năng lực là kiểm tra mức độ hiểu và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết bài tập. Vì vậy, nắm chắc kiến thức cơ bản là hết sức quan trọng, các bạn học sinh cần lưu ý.
+ Rèn luyện khả năng tư duy logic và các dạng bài tính toán
Các bạn học sinh quen thuộc với các dạng đề thi thông thường tử Bộ GD&ĐT thường cảm thấy bỡ ngỡ khi gặp dạng đề thi đánh giá năng lực yêu cầu tư duy tính toán, logic. Đây là dạng bài mới và tương đối lạ lẫm với cách học và thi tại Việt Nam. Vì vậy, nếu không được làm quen và ôn luyện từ trước, các bạn học sinh sẽ dễ dàng đánh mất cơ hội dành điểm cao trong phần thi này.

Để có thể ôn tập tốt hơn cho kỳ thi đánh giá năng lực, học sinh cũng có thể tham khảo hoặc sử dụng các cách thức ôn thi phù hợp. Những phương pháp này có thể giúp học sinh ôn tập có hiệu quả hơn, tận dụng tối ưu thời gian chuẩn bị cho bài thi năng lực.

Bước 1: Xác định rõ ràng trình độ bản thân
Bước đầu tiên trong quy trinh ôn thi Đánh giá năng lực là bạn cần xác định rõ ràng trình độ của bản thân đầu tiên. Trước khi bắt đầu học, bạn cần xác định được trình độ hiện tại của mình đang ở đâu bởi việc xác định này giúp thí sinh hiểu rõ được những ưu – nhược điểm của mình. Hãy tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu của bạn trong các môn học xuất hiện trong đề thi Đánh giá năng lực, điều này giúp bạn phân bổ thời gian, lộ trình học tập hợp lý và hiệu quả nhất. Đối với những môn học đã có nền tảng vững chắc, bạn hãy phải dành thời gian luyện đề và các tips làm bài để ăn trọn số điểm tối đa.
Ngược lại, với những môn mà bạn yếu, hãy “lượt lại” thật kỹ những kiến thức nằm trong sách giáo khoa lớp 10, 11, 12 để củng cố thêm về kiến thức của bản thân.
Từ đây, cũng có thêm một mẹo học vô cùng hiệu quả trong quá trình ôn thi Đánh giá năng lực đó là các có thể cân nhắc thứ tự ưu tiên khi làm bài thi. Ví dụ hãy tập trung ôn luyện những phần mà mình nắm vững trước để tránh lãng phí thời gian làm bài, sau đó hãy hoàn thành những phần bài tập còn lại sau.

Bước 2: Tiến hành ôn luyện
Sau khi đã xác định rõ ràng trình độ của mình thì cách ôn thi Đánh giá năng lực tiếp theo là việc bạn cần xây dựng một lộ trình, lập kế hoạch ôn tập hợp lý. Đây là một bước vô cùng quan trọng bởi vì việc này không chỉ giúp các bạn có thể đánh giá được khả năng của bản thân mà còn giúp bạn có thêm những động lực trong việc học và luyện thi Đánh giá năng lực.
Các bạn cần lưu ý rằng khi đưa ra các chiến lược ôn thi Đánh giá năng lực hiệu quả bạn cần xác định rõ xem năng lực của mình đang nằm ở đâu. Nếu như bạn đặt mục tiêu quá cao hoặc quá thấp sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình ôn tập và đôi khi sẽ phản tác dụng. Một cách khác nữa để bạn có thể được tiếp thêm động lực là các bạn hãy viết mục tiêu của mình lên giấy và dán chúng ngay trước bàn học của bạn.

1. Trình độ thấp ôn luyện như thế nào?
Đối với những bạn bắt đầu từ trình độ thấp, Prep sẽ hướng dẫn ôn thi Đánh giá năng lực các bạn đầy đủ tất cả những cách để đạt được những số điểm mơ ước:
1.1. Với phần thi ngôn ngữ Ngôn ngữ Tiếng Việt: Các bạn có thể ôn tập lại những kiến thức ngữ pháp Tiếng Việt cơ bản trong sách giáo khoa cấp 2, cấp 3. Ngoài ra, để nâng cao trình độ của bản thân, các bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về những kiến thức rộng hơn có thể kể đến như là chính tả, từ Hán Việt, thành ngữ, tục ngữ,…
Bước tiếp theo, các bạn hãy đọc lại tất cả các tác phẩm văn học để chắc chắn về các thể loại, nội dung, ý nghĩa, thông tin tác giả,… Bên cạnh đó hãy ôn lại cách làm bài đọc nhiều lần trước khi đến giai đoạn luyện đề.Ngôn ngữ Tiếng Anh: Cách để các bạn có thể ôn thi Đánh giá năng lực đó là lập một hệ thống về ngữ pháp, trau dồi những vốn từ vựng và luyện tập các bài đọc. Nếu Tiếng Anh là một môn trong tổ hợp thi THPT của bạn, bạn cũng có thể hoàn toàn kết hợp ôn tập cho cả hai kỳ thi này.
1.2. Với phần thi Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu:
Hướng dẫn ôn thi Đánh giá năng lực với môn Toán, các bạn hãy ôn tập các phần tương tự như kỳ thi THPT Quốc Gia, hãy ôn tập lại các kiến thức của lớp 10,11. Ngoài ra các bạn cũng hãy tập làm quen với các dạng bài toán tư duy để có thể định hình được cách suy luận và xác định được những quy luật logic của đề thi. Đối với các bài toán phân tích số liệu, bạn cần phải đọc kỹ đề bài, ôn tập lại những công thức tính tỉ lệ phần trăm.
1.3. Với phần thi giải quyết vấn đề 3 môn tự nhiên Lý, Hóa, Sinh: Các bạn cần phải nắm vững các công thức cơ bản và làm nhiều những bài bài tập áp dụng ngay. Các bạn cũng đừng quên ôn lại một số kiến thức trọng tâm trong chương trình học lớp 10, 11.Các dạng bài đọc và các câu hỏi đi kèm sẽ yêu cầu thí sinh cần có kỹ năng đọc hiểu tốt và nắm chắc những kiến thức cơ bản để kết hợp suy luận. Ngoài ra còn có một số câu hỏi bên ngoài.
Ôn thi Đánh giá năng lực 2 môn xã hội Sử & Địa: Với môn Lịch sử, các bạn cần phải tóm tắt kiến thức của từng chương, ghi nhớ những thông tin sự kiện, những nhân vật lịch sử quan trọng trong sách giáo khoa cấp 3. Đối với môn Địa lý, các bạn cần ôn tập lại một số kiến thức về địa danh, vùng miền, khí hậu, đặc điểm thời tiết, kinh tế… Đồng thời, cũng cần ghi chú thêm những nội dung mang tính chất nổi bật, được chú ý nhiều nhất hoặc đầu tiên.

2. Trình độ cao ôn luyện như thế nào?
Ở trình độ này, các bạn nên tập trung vào ôn thi Đánh giá năng lực các dạng bài thi trong kỳ thi, cụ thể như sau:
2.1. Ôn tập phần thi định tính Hướng dẫn ôn thi Đánh giá năng lực đối với dạng bài đọc hiểu: Trước tiên, các bạn hãy đọc một lượt tổng quan bài đọc hiểu, không cần phải đọc quá kĩ tránh lãng phí thời gian. Sau đó, bạn hãy đọc phần câu hỏi nhằm tìm luôn dữ liệu có trong bài để đưa ra câu trả lời. Thông thường thì những câu hỏi ở dạng bài này sẽ mang tính chất nhận biết,nghĩa là bạn chỉ cần xem phương thức biểu đạt được sử dụng trong bài là gì, phong cách ngôn ngữ sử dụng trong bài là gì…
Dạng tìm lỗi sai: Dạng bài này thường tập trung vào các vấn đề ý nghĩa của từ, ngữ pháp và chính tả. Bí quyết khi làm dạng bài này đó là hãy đọc khái quát trước để nắm nội dung chính, để ý tới những từ ngữ đứng đằng trước và sau của từ ngữ được gạch chân để tìm ra lỗi sai.
Dạng tìm từ khác loại: Kiến thức chính trong dạng bài này là về từ loại, từ đồng âm, ngữ nghĩa của từ. Các bạn chỉ cần tập trung tìm điểm chung giữa các từ được nằm trong phần đáp án rồi áp dụng phương pháp loại trừ để chọn đáp án khác biệt nhất.
Dạng bài về các tác giả và tác phẩm: Nếu bạn muốn ghi điểm ở phần này thì các bạn cần phải luyện tập nhớ được kiến thức về các tác giả, sự nghiệp, chủ đề, phong cách nghệ thuật và giai đoạn sáng tác của tác giả. Ngoài ra, bạn cũng phải quan tâm tới thể loại, phong cách, trường phái của tác phẩm, cũng như hoàn cảnh ra đời của tác phẩm văn học đó.
Dạng điền từ: Để làm được phần thì dạng này thì bạn cần phải chú trọng vào những nội dung của câu văn để chọn từ nối sao cho thích hợp với nội dung. Hãy sử dụng hết kiến thức của phần văn bản để làm bài thi dạng này cho tốt.
Dạng đọc hiểu tác phẩm: Các tác phẩm được sử dụng trong đề thi thử đánh giá năng lực đều nằm trong chương trình học ở phổ thông. Vì vậy, các bạn học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức gồm nội dung, chi tiết, hình ảnh, giá trị nghệ thuật, biện pháp nghệ thuật mà tác giả sử dụng trong tác phẩm văn học đó. Các bạn chú ý hãy đọc thật kỹ câu trả lời để tránh chọn sai bởi vì có nhiều đáp án sẽ gần giống nhau.

2.2. Hướng dẫn ôn tập phần thi định lượng

Trong phần thi Tư duy định lượng (Toán học) có một hệ thống các kiến thức rộng và dàn trải trong toàn bộ trong chương trình THPT (từ lớp 10-12) và được trải rộng ở tất cả các cấp độ nhận thức (từ Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng – Vận dụng cao) trong mỗi khối lớp.

Mặt khác, các câu hỏi thường được mang tính chất phân loại học sinh (thuộc cấp độ Vận dụng – Vận dụng cao) chiếm tỉ lệ tương đối lớn (48%) và không chỉ được tập trung tập trung vào bất cứ chuyên đề nào. Số lượng các câu hỏi vận dụng thực tế và liên môn bao gồm khoảng 10 câu.

Chính vì vậy, trong quá trình ôn luyện, các bạn cần học đều tất cả các kiến thức và tốt nhất là hãy xây dựng hệ thống đề cương một cách logic, điều này sẽ giúp các bạn nhớ rất lâu cũng như có thể dễ dàng tìm ra được các lỗi sai về bản chất. Bên cạnh đó, hãy đừng bỏ qua những phần kiến thức đọc thêm trong sách vì đây đều là những phần bài tập có tính vận dụng rất cao và rất dễ xuất hiện trong đề.

Ngoài ra, hãy tham khảo các nguồn tài liệu bên ngoài, các đề thi đánh giá năng lực các năm để cọ sát và làm quen với những câu hỏi lạ cũng như rèn luyện các phương pháp làm bài hiệu quả và tốt nhất.

2.3. Hướng dẫn ôn tập phần thi khoa học

Với phần thi môn Vật lý: Đề thi môn Lý thường sẽ có 10 câu hỏi nằm trong kiến thức của lớp 11 và lớp 12. Cụ thể, chương trình lớp 11 thường liên quan đến từ trường, dòng điện, hoặc khúc xạ ánh sáng. Còn kiến thức của lớp 12 thì thường thuộc cả 7 chương trong sách giáo khoa vật lý 12.
Câu hỏi trong các phần thi này thường được nằm trong số câu hỏi trắc nghiệm từ số 121 đến 130. Phần lớn các câu hỏi đều không quá khó, chỉ cần các bạn phải nắm thật chắc các kiến thức cơ bản đồng thời luyện tập nhiều dạng bài tập là có thể ghi điểm phần này.

Với phần thi môn Hóa học: Đề thi môn hóa học cũng có 10 câu hỏi nằm trong chương trình của cả 3 lớp 10, 11 và 12. Cụ thể, kiến thức lớp 10 thường liên quan đến tốc độ phản ứng của các chất hóa học và cân bằng hóa học. Ở Phần này các bạn học sinh nên tập trung ôn tập về những dạng bài những yếu tố có ảnh hưởng tới sự dịch chuyển cân bằng hóa học.
Kiến thức hóa học lớp 11 thường gắn với chương 1 và chương 2 cùng những bài tập tổng hợp về hidrocacbon. Để trả lời được những câu hỏi phần này các bạn cần nắm chắc kiến thức lý thuyết lớp 11.

Với phần thi môn Sinh học: Phần thi môn Sinh học bao gồm 10 câu hỏi liên quan tới 2 dạng bài trắc nghiệm và điền đáp án. 
+ Đối với phần trắc nghiệm: Có 9 câu hỏi vấn đề liên quan đến chương trình môn sinh học lớp 11 và lớp 12, trong đó bao gồm 4 câu thuộc lớp 11, còn lại là lớp 12. Những câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu yêu cầu các bạn học sinh cần phải ghi nhớ và nắm rõ kiến thức. Vậy nên, khi ôn tập phần này, các bạn cần phải học thật kỹ, thật hiểu chứ không nên chỉ học mơ hồ, hiểu không sâu thì sẽ không trả lời được chính xác câu hỏi.  
+ Đối với phần điền đáp án: Thường sẽ chỉ có 1 câu hỏi liên quan đến tính toán thuộc phần di truyền, biến dị, cơ chế và các quy luật di truyền. Các câu hỏi này sẽ không đưa sẵn đáp án mà bắt thí sinh phải tự tính toán ra đáp án. Vậy nên, phần này buộc thí sinh phải vận dụng kiến thức mình đã học để giải được bài toán.

3. Luyện đề nào như thế nào?

6 lời khuyên để các bạn luyện đề hiệu quả: 
1. Chọn không gian học tập yên tĩnh: các bạn có thể đến những quán cà phê hoặc thư viện để có thể tập trung học bài
2. Chọn thời gian thích hợp để làm bài: mỗi người sẽ có khung giờ học bài lý tưởng như là sáng sớm (6 – 7 am) hoặc khung giờ tối (8 – 10 pm)
3. Tuân thủ thời gian đúng 60 phút cho 50 câu
4. Cất tất cả các thiết bị công nghệ để không bị xao lãng như mạng xã hội hoặc những trang web không phục vụ cho việc học
5. Chuẩn bị một tinh thần thật sự thoải mái: các bạn có thể chuẩn bị nước hoặc tìm không gian thoáng đãng có cây cối sẽ giúp tập trung cao hơn
6. Nghiên cứu thật kỹ đáp án sau khi làm bài, luôn ghi nhớ kiểm tra lại đáp án sau mỗi lần làm bài vì học từ lỗi sai cũng là một cách học để tăng điểm vô cùng hiệu quả.

Bước 3: Giai đoạn luyện đề trong quy trình ôn thi Đánh giá năng lực

Ngoài việc bạn có nguồn kiến thức nhất định về kỳ thi mà bạn sắp trải qua, trước khi đến kỳ thi thật, bạn cần dành ra một khoảng thời gian dài để nghiên cứu giải đề thi, tạo áp lực thời gian cho bản thân để đến khi vào phòng khi bạn không bị bỡ ngỡ.

1. Thời gian luyện đề
Giai đoạn luyện đề được coi là giai đoạn nước rút trong cả quá trình ôn luyện thi đánh giá năng lực của thí sinh. Thời gian thí sinh chú trọng luyện đề là từ 1 – 3 tháng trước khi diễn ra kỳ thi thực chiến (theo dõi các đợt thi đánh giá năng lực của 3 trường đại học và Bộ Giáo dục). Vậy nên nếu bạn thi kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN, TPHCM, BKHN, Bộ Công an thì thời điểm luyện đề hợp lý nhất là 3 tháng trước khi thi.
2. Tìm đề ở đâu?
Nên tìm đề minh họa của các trường tổ chức kỳ thi để có thể bám sát được cấu trúc đề thi. Thêm 1 nguồn nữa bạn có thể tham khảo đó là các cuốn sách ôn thi Đánh giá năng lực uy tín đã được xuất bản
Không nên tìm đề trên mạng, chắc chắn quá trình tìm đề rất hồ hởi, tuy nhiên, khi lưu đề về máy tính xong, những đề đó không được bạn mở ra xem.

=>> Những lợi ích khi các bạn ôn luyện, làm quen với các dạng đề thi đánh giá năng lực các năm:
- Hiểu được cấu trúc kiến thức có trong đề thi
- Thông qua quá trình làm bài giúp nâng cao kiến thức cũng như bù đắp được những phần kiến thức mình còn yêu, thiếu.
- Đưa ra được chiến lược làm bài thi một cách hợp lí
- Có được một tâm lý tốt trước khi bước vào phòng thi

Trên đây là toàn bộ những điểm cần lưu ý về kỳ thi năng lực và cách ôn thi đánh giá năng lực 2022 hiệu quả dành cho các bạn học sinh. Hy vọng với thông tin mà mình cung cấp, các bạn học sinh có thể xây dựng lộ trình học tập và ôn luyện hiệu quả nhất, đạt được mức điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực sắp tới nhé!

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn